Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô theo hình thức PPP.
Cơ chế đột phá xây dựng đường vành đai 4
Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.
Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2025, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh.
Đặc Biệt, Hà Nội sẽ thu hồi đất 2 bên đường vành đai 4 từ 150 – 200m với quỹ đất hàng nghìn ha, vì vậy cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quy hoạch Vành đai 4 Hà Nội
Đường Vành đai 4 là đường vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn… mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Quy hoạch tuyến đường vành đai 4
Trước đó, hồi tháng 8, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng chiều dài tăng lên hơn 110km do bổ sung 9km tuyến nối từ điểm cuối tuyến đến QL18 và đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư gần 90.400 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần độc lập, gồm: thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến với tổng chi phí khoảng 24.241 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường gom) và tuyến nối Quốc lộ 18 với chi phí khoảng 8.255 tỷ đồng; đầu tư xây dựng đường cao tốc và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long với hơn 57.900 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2021, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc thống nhất quan điểm việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.
Cũng trong tờ trình, các địa phương cho biết theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 Hà Nội dài khoảng 98km đi qua địa phận TP. Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.
Lãnh đạo TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao vành đai 3 – Hà Nội đã xây dựng, khai thác.